Đau dây thần kinh tọa do bị thoát vị đĩa điệm thắt lưng và cách phục hồi

Ngày đăng: 07-11-2021 14:21:05

Phục hồi chức năng đau dây thần kinh tọa do bệnh thoát vị cột sống thắt lưng.

Đau thần kinh tọa là hiện tượng đau dọc đường đi của dây thần kinh hông to (thần kinh tọa), đau từ cột sống thắt lưng lan xuống mông, mặt sau ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân tới tận gót chân hoặc các ngón chân. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi lao động 30-50 tuổi, tỷ lệ gặp ở nam cao hơn nữ.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng khi cấu trúc bao xơ bị yếu do đứt, rách các vòng sợi thì dưới tác dụng của áp lực, nhân nhầy sẽ đẩy ra phía sau chèn ép vào rễ thần kinh, tuỷ sống gây nên các biểu hiện đau, tê, teo cơ, nặng hơn có khi liệt cơ và rối loạn cơ tròn.

Đĩa đệm có cấu trúc là các bao xơ bên ngoài dai chắc và nhân nhầy dạng keo ở trong. Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, có tác dụng như một hệ thống giảm sóc đàn hồi, giúp cột sống thực hiện các động tác cúi, ưỡn, nghiêng, xoay mà không bị sang chấn.

Đau dây thần kinh tọa do bị thoát vị đĩa điệm thắt lưng và cách phục hồi

Dấu hiệu đau dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm.

Triệu chứng lâm sàng.

– Đau, tê vùng thắt lưng xuống mông lan dọc theo mặt sau ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân đến gót hoặc các ngón chân, đau tăng khi gắng sức như khi ho, hắt hơi, cười.

– Dấu hiệu Lassègue (+): dựng hai chân vuông góc với mặt giường bệnh nhân đau do làm căng kích thích dây thần kinh.

– Co cứng cơ vùng thắt lưng: bệnh nhân có tư thế chống đau, vẹo lưng sang một bên.

– Dấu hiệu Valleix (+): ấn các điểm cạnh cột sống thắt lưng bệnh nhân đau lan dọc xuống chân theo đường đi của dây thần kinh tọa.

– Phản xạ gân xương bánh chè giảm hoặc mất khi bị chèn ép thắt lưng 4, gân gót giảm hoặc mất khi bị chèn ép rễ cùng 1.

– Rối loạn dinh dưỡng: teo cơ vùng lưng do co cứng, cơ đùi, cơ cẳng chân do đau bệnh nhân giảm hoạt động.

– Thoát vị nặng có thể gây chèn ép tuỷ với các triệu chứng liệt cấp chi dưới kèm theo có rối loạn đại tiểu tiện, tê và giảm cảm giác vùng hai bên mông, mặt sau đùi (diện yên ngựa).

Một số xét nghiệm cần thiết.

Chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính.

Điện cơ.

Xét nghiệm máu trong giới hạn bình thường.

Biến chứng, nguy cơ.

Liệt hai chân, rối loạn đại tiểu tiện do thoát vị cao và nặng chèn ép vào tuỷ.

Gây hội chứng đuôi ngựa, đại tiểu tiện không tự chủ rối loạn cảm giác vùng mông và mặt sau đùi, liệt nhóm cơ gấp bàn chân.

Nguyên nhân.

Do thoát vị đĩa đệm

Chẩn đoán bệnh.

Dựa vào hỏi bệnh, triệu chứng lâm sàng và chụp cộng hưởng từ.

Điều trị đau dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm.

Điều trị vật lý và phục hồi chức năng.

Giai đoạn cấp:

– Nghỉ ngơi tuyệt đối

– Vật lý trị liệu

  • Nhiệt trị liệu: Hồng ngoại, đắp Paraphin… vùng thắt lưng
  • Sử dụng các dòng điện giảm đau như dòng điện phân, điện xung, giao thoa…
  • Xoa bóp vùng thắt lưng bằng tay hoặc bằng máy;
  • Chườm ngải cứu, túi nước nóng
Sau giai đoạn cấp:

– Vật lý trị liệu: liệu pháp nhiệt, kích thích điện, siêu âm trị liệu, xoa bóp nhẹ nhàng.

– Kéo dãn cột sống thắt lưng bằng máy (Traction): điều trị thoái hoá đĩa đệm, thoái hoá cột sống, mục đích của phương pháp là tạo ra áp lực âm ngay trong lòng đĩa đệm nhằm giải nén, tạo điều kiện cho nhân nhầy đĩa đệm chuyển dịch hướng tâm trở về vị trị ban đầu. Tăng cường các chất chuyển hoá và dinh dưỡng vào trong đĩa đệm giúp tái tạo tổ chức.

– Kéo nắn cột sống.

– Tập vận động cột sống thắt lưng: Các bài tập trong đau cột sống thắt lưng cùng với duỗi cột sống vùng thắt lưng:

  • Người tập nằm sấp trên đệm hoặc trên sàn nhà, hai tay duỗi dọc theo thân mình, lòng bàn tay đặt lên hai bên mông sau đó từ từ nâng đầu và hai vai lên khỏi mặt đệm đến mức tối đa, giữ như vậy 05 giây rồi trở lại vị thế bắt đầu. Tập từ 5 đến 10 lần như vậy.
  • Các động tác tập cho cơ bụng: Người tập nằm ngửa trên đệm hoặc trên sàn nhà, hai gối gấp, lòng bàn chân hai bên sát trên mặt đệm. Thở ra, kéo cơ bụng dưới lên trên vào trong để làm cho đoạn thắt lưng duỗi sát trên sàn nhà. Sau đó gấp chân phải vào bụng, đưa gối phải về phía ngực, giữ như vậy trong 05 giây rồi duỗi chân phải trở về vị thế bắt đầu, làm tiếp như vậy với chân trái. Tập từ 05 đến 10 lần cho mỗi chân.
  • Từ vị thế nằm trên, gấp chân phải vào bụng, đưa gối phải về phía ngực, cài hai bàn tay vào nhau vòng qua khớp gối phải, giữ hai tay như vậy trong khi cố duỗi chân phải thẳng ra, giữ như vậy 05 giây, rồi thả hai tay từ từ đưa chân trở về vị thế bắt đầu. Làm như vậy với chân trái,tập từ 05 đến 10 lần cho mỗi chân.
  • Từ vị thế nằm như trên, duỗi thẳng chân phải và nâng lên đến mức tối đa, giữ như vậy 05 giây sau đó từ từ đưa chân phải trở về vị thế bắt đầu. Làm lại như vậy với chân trái. Tập từ 05 đến 10 lần cho mỗi chân. Trong khi tập vận động ở cả 03 động tác, luôn giữ vùng thắt lưng sát với mặt đệm hoặc sàn nhà. Không làm ưỡn vùng thắt lưng và không nín thở trong khi tập.
    Điều trị bằng thuốc

– Thuốc giảm đau thông thường: acetaminophen (paracetamol, tylenol 8H…) Acetaminophen kết hợp với codein hoặc tramadol.

– Thuốc kháng viêm không steroid (diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib, etoricoxib…).

– Thuốc giãn cơ: dùng trong đợt đau cấp, dùng ngắn ngày, đặc biệt khi có tình trạng co cứng cơ. Myonal, mydocalm, diazepam….

– Thuốc giảm đau thần kinh (gabapentin, pregabalin).

– Thuốc chống trầm cảm (amitriptylin…) đối với đau thần kinh mạn tính hoặc có rối loạn giấc ngủ. Tiêm ngoài màng cứng corticosteroid.

Điều trị ngoại khoa.

Nếu điều trị nội khoa và phục hồi chức năng 3 tháng không kết quả, ảnh hưởng đến chất lượng sống và công việc hàng ngày. Có dấu hiệu liệt cấp hoặc có rối loạn cơ tròn: điều trị bằng phẫu thuật.

Cách phòng bệnh thoát vị đĩa đệm.

Tránh làm nặng và sai tư thế.

Tập thường xuyên bài tập cột sống thắt lưng làm mạnh nhóm cơ vùng lưng góp phần hạn chế gây thoát vị đĩa đệm.

Đông Y Gia Truyền Tấn Khang chúc bạn sức khỏe và hạnh phúc.

 

MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN TẤN KHANG

Địa chỉ: 68A, Đ.Số 4, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

Website: https://www.dongygiatruyentankhang.net - Email: cskhdongygiatruyentankhang@gmail.com

Hotline: 0704 708 306 / 0989 675 179

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

zalo
0704 708 306